Bệnh tật

Hẹp bao quy đầu là gì? Triệu chứng và cách điều trị

Hẹp bao quy đầu là tình trạng phần da bao quy đầu dương vật không thể kéo xuống (kéo lại) dễ dàng. Bao quy đầu thắt chặt thường xảy ra ở những bé trai sơ sinh không cắt bao quy đầu, nhưng đa số đều hết khi các bé được 3 tuổi trở lên.

Hẹp bao quy đầu thường là hiện tượng tự nhiên nhưng cũng có thể là kết quả của bệnh lý. Các cậu bé có thể không cần điều trị bệnh hẹp bao quy đầu trừ khi đi tiểu khó khăn, hoặc gây ra các triệu chứng khác như nhiễm trùng, sưng hoặc đau ở dương vật.

Hẹp bao quy đầu là gì?

Giải thích hẹp bao quy đầu là gì…

Ở trẻ em và nam giới trưởng thành không cắt bao quy đầu thì phần da bao bọc đầu dương vật vẫn còn và che lấp dương vật. Thông thường, bao quy đầu có thể kéo xuống khi cần thiết và để lộ phần đầu dương vật ra ngoài. Khi bao quy đầu không thể kéo xuống như bình thường, tình trạng này được gọi là hẹp bao quy đầu (phimosis).

Hầu hết trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi không được cắt bao quy đầu sẽ bị hẹp bao quy đầu, có nghĩa là bao quy đầu không thể kéo xuống được. Điều này là do quy đầu và bao quy đầu vẫn kết nối trong vài năm đầu đời.

Khi nam giới bị hẹp bao quy đầu, nó trông giống như có một vòng thắt chặt quanh đầu dương vật khiến khu vực này bị sưng, đỏ và gặp khó khăn khi đi tiểu. Hẹp bao quy đầu được chia thành 2 dạng:

  • Hẹp bao quy đầu sinh lý: Đây là trạng thái tự nhiên đối với trẻ em nam mới sinh. Khi các cậu bé lớn lên, bao quy đầu của chúng sẽ nong và được kéo xuống dễ dàng. Thông thường điều này xảy ra khi các bé lên 7 tuổi, nhưng đôi khi phải mất thêm vài năm nữa.
  • Hẹp bao quy đầu bệnh lý: Tình trạng này ít gặp hơn và là kết quả của nhiễm trùng, viêm gây ra sẹo xơ làm dính bao quy đầu.

Hẹp bao quy đầu do bệnh lý có thể bắt nguồn từ việc vệ sinh kém. Nếu một người đàn ông hoặc cậu bé không thường xuyên vệ sinh dương vật, anh ấy có thể bị nhiễm trùng chẳng hạn như viêm quy đầu dương vật (Balanitis).

Các điều kiện y tế khác như bệnh tiểu đường cũng có thể khiến nam giới dễ mắc các bệnh nhiễm trùng này và do đó dẫn đến hẹp bao quy đầu.

Thông thường, bệnh hẹp bao quy đầu được điều trị bằng thuốc mỡ bôi vào đầu dương vật. Đối với những trường hợp nghiêm trọng hơn thì có thể được yêu cầu phẫu thuật loại bỏ bao quy đầu.

Các biến chứng của hẹp bao quy đầu bao gồm chảy máu, nhiễm trùng, đi tiểu khó khăn, đau đớn khi dương vật cương cứng. Hẹp bao quy đầu là bệnh lý không đáng ngại nhưng không vì thế mà bỏ qua nếu nó gây khó chịu cho bạn. Theo thời gian, “chiếc nhẫn” có thể trở nên chặt chẽ và khó điều trị hơn.

Nguyên nhân gây hẹp bao quy đầu

Phần da bao quy đầu quá dày, dài và bị co rút lại khiến cho việc kéo xuống trở nên khó khăn hơn

Hẹp bao quy đầu chỉ ảnh hưởng đến nam giới không cắt bao quy đầu và phổ biến ở bé trai hơn đàn ông trưởng thành.

Bao quy đầu bị hẹp là đều bình thường ở trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi không được cắt bao quy đầu, vì bao quy đầu vẫn còn dính vào dương vật. Nó sẽ bắt đầu tách ra một cách tự nhiên khi các bé được 3 đến 7 tuổi, hoặc chậm hơn.

Nguyên nhân gây hẹp bao quy đầu thường là do điều kiện tự nhiên. Bao quy đầu của mỗi người là khác nhau, một trong số đó có phần da bao quy đầu quá dày, dài và bị co rút lại khiến cho việc kéo xuống trở nên khó khăn hơn.

Nguyên nhân thứ hai gây hẹp bao quy đầu ở nam giới là viêm, nhiễm trùng bao quy đầu hoặc đầu dương vật. Viêm balan hay viêm quy đầu dương vật (Balanitis) là một bệnh thường gặp ở những cậu bé không cắt bao quy đầu. Đây có thể là kết quả của việc vệ sinh kém, tích tụ bựa sinh dục (smegma) dẫn đến nhiễm trùng quy đầu dương vật.

Một trong những bệnh nhiễm trùng có thể dẫn đến viêm quy đầu dương vật (Balanitis) được gọi là lichen sclerosus (Lichen xơ hóa). Đó là một bệnh lý về da được kích hoạt bởi một phản ứng miễn dịch bất thường hoặc mất cân bằng hormone. Triệu chứng của bệnh này là xuất hiện các đốm trắng (nấm men) hoặc các mảng bám trên đầu dương vật. Da có thể bị ngứa và dễ rách.

Tóm lại, hẹp bao quy đầu có thể được gây ra bởi một số nguyên nhân như:

  • Nhiễm trùng đường tiết niệu nhiều lần
  • Nhiễm trùng bao quy đầu
  • Chấn thương bao quy đầu
  • Bệnh chàm da khiến da bị ngứa, đỏ, khô và nứt nẻ
  • Bệnh vẩy nến dẫn đến các mảng da trở nên đỏ, bong tróc và dễ rách
  • Lichen xơ hóa gây ra sẹo trên bao quy đầu và khiến bao quy đầu bị hẹp

Triệu chứng của hẹp bao quy đầu

hep-bao-quy-dau-bị-gi
Hẹp bao quy đầu có thể dẫn đến viêm dương vật, được gọi là balanitis, hoặc viêm cả quy đầu và bao quy đầu được gọi là balanoposthitis

Hẹp bao quy đầu không phải lúc nào cũng dẫn đến các triệu chứng. Tuy nhiên, khi đó, chúng có thể bao gồm đỏ, đau hoặc sưng. Bao quy đầu quá chật cũng có thể cản trở việc đi tiểu bình thường, khiến nam giới không thể tiểu hết nước trong bàng quang.

Triệu chứng chính của bệnh hẹp bao quy đầu là không thể kéo bao quy đầu xuống dù cậu bé đã lớn hơn 3 tuổi. Một số biểu hiện khác mà bố mẹ có thể quan sát là:

  • Bé trai đi tiểu khó khăn, kêu đau
  • Phần bao quy đầu sưng phồng, hoặc có dấu hiệu viêm nhiễm như sưng đỏ, chạm vào gây đau, chảy mũ…

Hẹp bao quy đầu có thể dẫn đến viêm dương vật, được gọi là balanitis, hoặc viêm cả quy đầu và bao quy đầu được gọi là balanoposthitis. Những điều kiện này thường bắt nguồn từ việc vệ sinh dương vật kém.

Bao quy đầu thường nong ra theo thời gian, nhưng quá trình này có thể mất nhiều thời gian hơn ở một số bé trai. Vào khoảng 7 tuổi, bao quy đầu của các bé trai có thể được kéo xuống dễ dàng.

Đối với nam giới trưởng thành, hẹp bao quy đầu có thể gây đau, rách da hoặc thiếu cảm giác khi quan hệ tình dục. Đeo bao cao su và sử dụng chất bôi trơn có thể giúp nam giới giao hợp thoải mái hơn.

Hẹp bao quy đầu có cần đến bệnh viện điều trị không?

Hầu hết trường hợp hẹp bao quy đầu không cần điều trị ở bệnh viện, đặc biệt là ở những cậu bé. Nếu không có biến chứng gì nghiêm trọng, bố mẹ có thể chờ đợi để xem liệu vấn đề có được giải quyết không khi con trai của mình lớn lên.

Nếu tình trạng hẹp bao quy đầu ảnh hưởng đến sự cương cứng hoặc đi tiểu của bé trai, hoặc nếu có các triệu chứng khác như viêm nhiễm, bố mẹ nên dẫn con trai của mình đi khám bác sĩ.

Các dấu hiệu nhiễm trùng do hẹp bao quy đầu bao gồm:

  • Thay đổi màu sắc của bao quy đầu hoặc đầu dương vật
  • Xuất hiện các đốm trắng hoặc phát ban
  • Đau đớn khi đi tiểu
  • Sưng đỏ, ngứa

Phương pháp điều trị hẹp bao quy đầu

Một cuộc kiểm tra y tế và đánh giá các triệu chứng của bé trai thường đủ để chẩn đoán hẹp bao quy đầu, hoặc một tình trạng tiềm ẩn chẳng hạn như viêm quy đầu dương vật (Balanitis).

Chẩn đoán viêm quy đầu dương vật hoặc một loại nhiễm trùng khác thường bắt đầu bằng cách phân tích mẫu bao quy đầu trong phòng thí nghiệm. Nhiễm vi khuẩn sẽ cần thuốc kháng sinh, trong khi nhiễm nấm có thể cần bôi thuốc mỡ chống nấm.

Nếu không phải nhiễm trùng hoặc bệnh lý khác gây ra hẹp bao quy đầu, và có vẻ như bao quy đầu chặt chẽ chỉ đơn thuần là sự phát triển tự nhiên, bố mẹ có thể lựa chọn một số phương pháp điều trị khác đơn giản hơn.

Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng, tập luyện kéo bao quy đầu nhẹ nhàng hàng ngày có thể giúp bao quy đầu nong ra và không còn bó chặt đầu dương vật nữa.

Ngoài ra, một loại thuốc bôi mỡ corticosteroid cũng thường được sử dụng để giúp làm mềm bao quy đầu và làm cho việc kéo xuống dễ dàng hơn. Thuốc mỡ được bôi đều vào khu vực xung quanh quy đầu và bao quy đầu hai lần một ngày trong vài tuần.

Đối với các trường hợp nghiêm trọng hơn, cắt bao quy đầu hoặc một thủ tục phẫu thuật tương tự có thể là cần thiết. Cắt bao quy đầu là loại bỏ toàn bộ phần da bao bọc đầu dương vật giúp phòng ngừa nhiễm trùng tái phát và nhiều bệnh lý khác.

Cách phòng ngừa hẹp bao quy đầu dương vật

Để ngăn ngừa các biến chứng của hẹp bao quy đầu thì nam giới nên vệ sinh thường xuyên dương vật của mình. Nhẹ nhàng làm sạch dương vật và phần dưới bao quy đầu với nước ấm sẽ giúp giảm nguy cơ bị nhiễm trùng. Điều này cũng sẽ tạo điều kiện cho phần da quy đầu mềm mại, từ đó nam giới sẽ dễ dàng hơn trong việc kéo bao quy đầu xuống.

Đối với các bé trai, bố mẹ không nên cố gắng kéo bao quy đầu xuống bằng mọi cách, bởi vì điều này có thể gây đau và làm rách bao quy đầu. Hãy vệ sinh cho bé bằng xà phòng nhẹ để tránh kích ứng da, sử dụng nước ấm massage nhẹ nhàng phần bao quy đầu rồi kéo xuống từ từ.

Sự khác biệt giữa hẹp bao quy đầu (phimosis) và nghẹt bao quy đầu (paraphimosis)

Một tình trạng khác được gọi là paraphimosis cũng có thể xảy ra khi bao quy đầu được kéo xuống nhưng không thể di chuyển trở lại vị trí ban đầu.

Paraphimosis cản trở lưu thông máu đến dương vật khiến dương vật đau đớn và sưng đỏ lên. Đây là một tình trạng khẩn cấp cần được chăm sóc y tế ngay lập tức.

Các lựa chọn điều trị cho bệnh thắt nghẹt bao quy đầu tương tự như đối với bệnh hẹp bao quy đầu. Sử dụng thuốc mỡ bôi trơn bao quy đầu có thể giúp bạn dễ dàng trượt bao quy đầu trở lại. Tuy nhiên trước khi thử cách điều trị tại nhà này, bạn nên thảo luận với bác sĩ.

Bác sĩ sẽ cho bạn biết loại thuốc bôi nào an toàn và phù hợp với bạn. Nếu tình trạng thắt nghẹt bao quy đầu diễn ra trong vài giờ, thay đổi màu sắc dương vật, sưng đỏ hoặc đau đớn, bạn cần đến trung tâm y tế ngay lập tức!

Ngoài ra, cắt bao quy đầu là phương pháp mà nhiều cha mẹ lựa chọn nhằm loại bỏ các mối quan tâm đến từ hẹp bao quy đầu. Hãy thảo luận về những rủi ro và lợi ích của thủ tục này với bác sĩ. Cắt bao quy đầu giúp giảm đáng kể nguy cơ nhiễm HIV, viêm và các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STI).

Bạn cũng nên nhớ rằng mỗi đứa trẻ phát triển ở một tốc độ khác nhau và theo nhiều cách khác nhau. Nếu con trai bạn bị hẹp bao quy đầu, không có lý do gì để nghĩ rằng một đứa con trai khác sẽ có tình trạng tương tự.

Nét Bút Tri Ân – Theo: Healthline.com

Ảnh: Terveyskyla.fi

Related posts

Những điều cần biết về huyết áp thấp

admin

Tiểu đường là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

admin

Nguyên nhân khiến bạn khó đi tiểu (bệnh vô niệu)

admin

Leave a Comment

cyberton.my.id/ Situs Slot Gacor
cyberton.my.id/ Situs Slot Gacor