Mục lục bài viết
Thông thường, thận có kích thước bằng nắm tay hoặc 10 đến 12 cm (khoảng 5 inch). Teo thận có nghĩa là thận nhỏ hơn bình thường. Điều này có thể xảy ra vì hai lý do cơ bản.
1. Đầu tiên là một phần của thận không phát triển từ khi sinh ra (được gọi là teo thận bẩm sinh) làm cho một quả thận bị nhỏ hơn bình thường. Trường hợp teo thận hoặc thận nhỏ này thường không cần điều trị đặc biệt.
2. Loại thứ hai xảy ra sau khi sinh, có thể xảy ra ở một hoặc cả hai quả thận. Loại teo thận này là do lượng máu cung cấp cho thận suy giảm hoặc mất nephron, đơn vị cấu tạo và chức năng cơ bản của thận.
Ngoài ra, nhiễm trùng mạn tính hoặc tắc nghẽn thận cũng có thể dẫn đến teo thận. Người có quả thận nhỏ hơn bình thường sẽ có nguy cơ mắc bệnh thận cao hơn người khác. Nếu kích thước thận quá nhỏ, đặc biệt đối với cả hai thận thì nguy cơ bị suy thận là rất cao.
Nguyên nhân nào gây teo thận?
Thận bị teo nhỏ có thể là do:
- Động mạch thận bị chặn (được gọi là hẹp động mạch thận): Các động mạch chính cung cấp máu cho thận bị tắc nghẽn. Điều này có thể là do xơ cứng động mạch liên quan đến chất béo hoặc cục máu đông
- Đường tiết niệu bị chặn: Dòng nước tiểu bị tắc nghẽn dẫn đến áp lực lên thận và gây tổn thương thận
- Sỏi thận: Sỏi thận không được điều trị có thể gây tắc nghẽn thận làm thận bị teo nhỏ
- Nhiễm trùng thận kéo dài: Một số loại nhiễm trùng như viêm bể thận, viêm cầu thận, bệnh thận đa nang và các bệnh thận mạn tính khác có thể gây tổn thương thận
- Bệnh lý khác: Ngoài ra, một số trường hợp bị teo thận có nguyên nhân bắt nguồn từ các bệnh lý khác như cao huyết áp hoặc tiểu đường
Người bị teo thận thường có những triệu chứng gì?
Một số triệu chứng của teo thận có thể bao gồm:
- Đau khi đi tiểu
- Đau bụng hoặc sườn (bên và lưng)
- Đi tiểu ra máu, đi tiểu nhiều lần trong ngày và nhất là ban đêm
- Cảm thấy mệt mỏi, chán ăn và ngứa da
- Cảm thấy khó chịu vùng thận, chuột rút cơ hoặc sưng phù tay chân và vùng mặt
Đôi khi người bị teo thận có thể không có triệu chứng rõ ràng nào do nhiều trường hợp chỉ teo một bên thận. Và các biểu hiện khi thận bị teo cũng phụ thuộc vào nguyên nhân và thời điểm của bệnh.
Teo thận có nguy hiểm không?
Thận vô cùng quan trọng, nó đảm nhiệm chức năng lọc máu, chất thải và nhiều chức năng quan trọng khác nhằm giúp cơ thể duy trì sự sống. Nếu thận bị teo, cơ thể sẽ trở nên suy yếu và có nguy cơ gặp phải nhiều biến chứng nghiêm trọng.
Do đó, teo thận là một tình trạng nguy hiểm có thể đe dọa đến tính mạng nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách. Nếu người bệnh bị teo một bên thận, thì quả thận còn lại sẽ gánh vác gấp đôi công việc và có nguy cơ bị suy thận. Đối với trường hợp bị teo hai bên thận, người bệnh phải thường xuyên đến trung tâm y tế để áp dụng các phương pháp điều trị cũng như lọc máu hỗ trợ để duy trì sự sống.
Chẩn đoán teo thận như thế nào?
Các xét nghiệm cho teo thận bao gồm các xét nghiệm hình ảnh như siêu âm, chụp cắt lớp vi tính (CT hay CAT), quét hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI). Chẩn đoán và điều trị sớm bệnh teo thận là rất quan trọng để tránh thận tổn thương nặng hơn.
Bệnh teo thận có điều trị được không?
Bệnh teo thận có thể điều trị được, và việc điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân khiến thận trở nên nhỏ hơn bình thường. Ví dụ, một bệnh nhân bị teo thận do nhiễm trùng đường tiết niệu mãn tính sẽ cần dùng kháng sinh trong điều trị.
Người bệnh có thể bị teo một hoặc cả hai quả thận. Bác sĩ sẽ tìm ra các chức năng thận còn lại thông qua xét nghiệm máu và nước tiểu. Nếu thận hoàn toàn không hoạt động, việc cắt bỏ thận thường không được yêu cầu trừ khi có vấn đề nghiêm trọng như nhiễm trùng lặp đi lặp lại.
Nếu thận vẫn lọc hoặc hoạt động, có thể có phương pháp điều trị y tế để giữ các chức năng còn lại. Nếu cả hai thận đều bị hư thì phương pháp điều trị phổ biến nhất là lọc máu hoặc ghép thận.
Hiện nay, phương pháp ghép thận tự thân (lấy thận của người bệnh ghép lại cho chính người bệnh) là cách điều trị teo thận hiệu quả nhất. Đây là phương pháp bảo tồn thận nhưng yêu cầu tính cẩn thận rất cao, do đó chỉ có bác sĩ nhiều kinh nghiệm mới thực hiện được.
Với phương pháp này, quả thận sẽ được lấy ra khỏi cơ thể người bệnh để bác sĩ sửa lại các bệnh lý và khiếm khuyết của thận. Sau đó thận sẽ đưa trở lại khoang bụng người bệnh để giúp duy trì sự sống.
Hãy bảo vệ sức khỏe thận bằng cách kiểm soát huyết áp, không hút thuốc lá, rượu bia, điều trị bệnh tiểu đường nếu bạn đang mắc phải, giữ cân nặng phù hợp và áp dụng chế độ ăn ít muối có lợi cho sức khỏe. Điều quan trọng là phải phối hợp với bác sĩ để kiểm tra thận thường xuyên.
Nét Bút Tri Ân