Mục lục bài viết
Như các bạn biết đó, củ kiệu là món ăn truyền thống không thể thiếu trong những ngày Tết Việt Nam. Nếu như nồi thịt kho hay khúc bánh tét, bánh chưng khiến bạn “phát ngán” thì củ kiệu sẽ giúp bạn dễ chịu hơn khi tiêu thụ những món ăn này.
Để làm ra hũ củ kiệu chua ngọt thì hầu như ai cũng làm được, nhưng để củ kiệu trắng giòn, không bị hăng và giữ được lâu thì công thức sau đây sẽ giúp các bạn.
Hôm nay Nét Bút Tri Ân xin gửi đến các bạn bí quyết ngâm củ kiệu chua ngọt và trắng giòn rất đơn giản với các nguyên liệu mà bạn dễ dàng mua ngoài chợ. Với cách làm này, củ kiệu sẽ tự lên men bằng đường và có vị chua ngọt dịu nhẹ, đầu kiệu không bị mềm và trắng giòn nhìn rất là hấp dẫn!
Nguyên liệu
Để làm ra hũ củ kiệu trắng trong, chua ngọt mà vẫn giữ được độ giòn thì các bạn chuẩn bị các nguyên vật liệu như sau:
- 1kg củ kiệu (kiệu Huế sẽ ngon hơn)
- 600g đường cát trắng
- 1 muỗng canh phèn chua
- 4 muỗng canh muối
- 500ml giấm để rửa kiệu
Công thức
Bước 1: Làm sạch củ kiệu
Các bạn nên sử dụng kiệu Huế (hay còn gọi là kiệu quế) để làm nha. Bởi vì kiệu Huế nổi tiếng với độ giòn thơm không hăng, gân kiệu sừn sựt ăn rất là ngon.
Sau khi mua về thì củ kiệu thường dính nhiều đất cát, cho nên là mình phải rửa sạch nhiều lần với nước nha các bạn. Sau đó, các bạn dùng 1 cái thau rồi cho 4 muỗng canh muối và 2 lít nước vào để ngâm kiệu.
Nên nhớ là khuấy đều cho phần muối hòa vào nước nha. Các bạn ngâm kiệu trong vòng 12 tiếng, hoặc ngâm qua đêm cũng được nha (ngâm từ chiều đến sáng hôm sau).
Ngoài ra, nếu các bạn sử dụng nước tro bếp hay tro tàu có bán trên thị trường (nước tro công nghiệp), thì cũng phải rửa kiệu thật là kỹ để loại bỏ toàn bộ nước tro còn dính trên kiệu nha.
Và một phần cũng vì trong nước tro có tính kiềm có thể gây bỏng và ăn mòn nếu mà mình nuốt phải. Ông bà ngày xưa hay dùng nước tro để thay xà phòng rửa chén đó các bạn.
Các bạn lưu ý, nếu mà lượng củ kiệu nhiều hơn 1kg thì mình sẽ cho thêm muối nha. Sau khi ngâm kiệu xong thì các bạn vớt ra và rửa lại bằng nước sạch nhiều lần để kiệu không còn độ mặn của muối nữa.
Bước 2: Ngâm kiệu với phèn chua
Bước tiếp theo là ngâm kiệu với phèn chua trong khoảng 3 giờ để giúp cho củ kiệu trắng và giòn. Các bạn hòa tan 2 lít nước với lại một muỗng cà phê phèn chua.
Đừng lo lắng! Mình dùng một lượng nhỏ phèn chua trong chế biến thực phẩm thì không có độc hại đâu, mà theo mình biết thì hiện nay phèn chua là hóa chất được cho phép sử dụng trong chế biến thực phẩm nên các bạn yên tâm nha.
Bước 3: Đem kiệu đi phơi nắng
Sau khi ngâm củ kiệu với phèn chua thì các bạn vớt kiệu ra và nhớ là phải rửa lại bằng nước sạch nhiều lần nha các bạn. Sau đó thì mình sẽ để ráo kiệu và đem kiệu đi phơi ngoài nắng.
Các bạn nên dùng một cái tràng hoặc cái nia bằng tre thì nước sẽ dễ rút và dễ khô hơn. Nếu mà nắng gắt thì các bạn phơi trong khoảng 4 đến 5 giờ đồng hồ là được nha. Còn nếu mà nắng nhẹ thì phơi nhiều hơn.
Bước 4: Cắt củ kiệu
Sau khi phơi nắng xong thì mình bắt đầu cắt bỏ phần thừa của củ kiệu. Các bạn nhớ là chỉ cắt phần rễ của củ kiệu thôi, đừng có cắt sâu vào trong cái đầu kiệu quá nha.
Nếu các bạn cắt sâu quá thì thứ nhất là uổng, thứ hai là kiệu của mình nó sẽ dễ hút nước, và làm cho củ kiệu bị mềm và không được giòn nữa đó!
Còn cái phần đầu lá thì các bạn cũng đừng có cắt dài quá, mình cắt vừa thôi, cắt sao cho củ kiệu của mình nhìn nó đẹp là được nha các bạn. Các bạn nhớ là trong khi cắt thì loại bỏ luôn cái phần vỏ lụa bên ngoài kiệu luôn nha.
Bước 5: Rửa kiệu qua giấm
Công đoạn kế tiếp là mình sẽ rửa phần kiệu này qua giấm cho sạch bụi và những cái vỏ lụa còn bám trên kiệu. Nếu nhà bạn còn ít giấm thì bạn sử dụng một cái tô để rửa từ từ nha. Sau khi rửa thì mình vớt kiệu ra cái rỗ cho ráo nước.
Công đoạn này bạn phải nhớ làm nếu muốn có một hũ củ kiệu trắng giòn và chua ngọt để đãi gia đình ngày tết nhé! Dùng giấm rửa kiệu sẽ làm cho kiệu dễ lên men và cái độ ẩm của giấm sẽ giúp đường dễ tan hơn, đồng thời sẽ làm cho kiệu của chúng ta sẽ trắng và giòn hơn nữa đó.
Bước 6: Ngâm kiệu với đường cát
Tới công đoạn cuối cùng là chúng ta sẽ ngâm cái phần kiểu này qua đường cát nha các bạn. Theo công thức làm kiệu chua ngọt và trắng giòn của mình thì một 1kg kiệu thành phẩm sẽ sử dụng 600g đường cát trắng.
Các bạn sẽ dùng 1 cái thau và cho phần kiệu vào. Các bạn nhớ là phải rửa thau thật sạch và lau thật khô nha. Bí quyết ở đây là các bạn sẽ bỏ vào một lớp kiệu, rồi rắt lên mặt một lớp đường, rồi một lớp kiệu nữa…cứ thế thì củ kiệu mới trắng trong và thấm đều nha các bạn.
Các bạn ngâm khoảng 4 tiếng đồng hồ thì cái phần đường này nó tan và thấm vào kiệu. Ngoài ra, nếu mà trời có nắng thì các bạn nhớ rinh thau củ kiệu ra phơi trực tiếp ở ngoài nắng luôn nha.
Điều này sẽ giúp đường tan nhanh hơn và cái độ nóng ấm nhẹ của nắng sẽ làm cho củ kiệu của mình nó giòn thêm đó các bạn. Khi các bạn phơi thau kiệu ngoài nắng thì nhớ là phải dùng một cái màng bọc thực phẩm để ngăn bụi bẩn nha.
Bước 7: Xếp kiệu vào hũ
Sau khi phơi nắng được một ngày thì chúng ta sẽ đem kiệu vô và xếp vào hũ để bảo quản.
Bạn chuẩn bị một hũ thủy tinh mà nhớ là phải vệ sinh sạch sẽ và lau thiệt là khô nhé các bạn. Ngoài ra, để có được hũ củ kiệu nhìn ngon và đẹp ngày Tết thì mình phải xếp hơi cực một chút nhưng thành quả rất tuyệt vời.
Các bạn xếp đầu kiệu ra ngoài thành hũ, phần đuôi thì mình quay vào trong và xếp vòng theo thành hũ. Còn củ kiệu nào nhỏ mình sẽ bỏ vào giữa nha.
Phần lượng đường trong thau khi ngâm kiệu thì các bạn cho hết vào trong hũ luôn nha. Để hũ củ kiệu ở nơi thoáng mát khoảng 1 tuần thì kiệu bắt đầu lên men là có thể ăn được. Các bạn cũng nên thử nếu thấy kiệu lên men hơi chua chua thì có thể cho vào tủ lạnh để ăn dần ngày Tết nhé!
Kiệu ngon lắm các bạn ơi! các bạn cứ làm theo công thức của mình thì bảo đảm củ kiệu của bạn sẽ rất ngon luôn đó! Kiệu vừa trắng, vừa giòn kèm theo vị chua ngọt dịu rất là dễ ăn luôn. Tự tay mình làm ra hũ củ kiệu giòn và ngon để đãi gia đình thân yêu trong những ngày Tết thì tuyệt vời quá phải không các bạn! Chúc các bạn một năm mới vui vẻ và tràn đầy niềm vui hạnh phúc.
Nét Bút Tri Ân – Theo: Cô Ba Bình Dương