Mục lục bài viết
Rối loạn phổ tự kỷ (tiếng Anh: Autism Spectrum Disorder) là một rối loạn não ảnh hướng đến khả năng giao tiếp và tương tác với người khác. Nó xuất hiện trong những tháng đầu tiên của trẻ với các triệu chứng không rõ ràng, chỉ khi trẻ lớn hơn 1 tuổi thì bố mẹ mới bắt đầu nhận ra sự bất thường của con mình.
Một số trẻ em có dấu hiệu tự kỷ ngay vài tháng tuổi, và những đứa trẻ khác dường như có sự phát triển bình thường trong vài tháng hoặc vài năm đầu rồi sau đó chúng mới bắt đầu xuất hiện các triệu chứng.
Có khoảng 50% cha mẹ có con mắc bệnh tự kỷ nhận thấy các vấn đề tại thời điểm con họ chưa được 12 tháng, và đến 80% đến 90% nhận thấy các vấn đề khi bé được 2 tuổi trở lên. Thường thì trẻ em mắc bệnh tự kỷ sẽ sống với căn bệnh này trong suốt cuộc đời, nhưng chúng có thể trở nên tốt hơn khi chúng lớn lên và áp dụng các phương pháp điều trị thích hợp.
Triệu chứng của bệnh tự kỷ ở trẻ em
Có nhiều dấu hiệu nhận biết trẻ tự kỷ và triệu chứng phổ biến nhất là sự khác biệt về kỹ năng xã hội, giao tiếp và hành vi so với những người bình thường. Theo thống kê, tỷ lệ mắc bệnh tự kỷ ở bé trai cao gấp 5 lần so với bé gái.
1. Dấu hiệu kỹ năng xã hội
Một đứa trẻ mắc bệnh tự kỷ thường gặp nhiều khó khăn trong việc tương tác với người khác. Vấn đề với các kỹ năng xã hội là một số dấu hiệu phổ biến nhất. Đứa trẻ có thể muốn có những mối quan hệ thân thiết nhưng không biết làm thế nào.
Nếu con bạn mắc bệnh tự kỷ, bé có thể biểu hiện một số triệu chứng xã hội khi bé được 8 đến 10 tháng tuổi. Chúng có thể bao gồm bất kỳ dấu hiệu nào sau đây:
- Bé không thể trả lời tên của mình
- Chơi đùa hoặc nói chuyện với người khác không làm bé hứng thú
- Bé thích ở một mình
- Không tham gia vào các trò chơi cộng đồng
- Bé tránh hoặc từ chối tiếp xúc vật lý (ôm, hôn)
- Bé không cười hoặc rất ít
- Bé lẩn tránh ánh mắt của mọi người kể cả cha mẹ
- Khi bé buồn bã, bé không muốn được an ủi
- Bé không hiểu cảm xúc của chính mình hoặc của người khác
- Bé có thể không vươn tay ra để lấy món đồ chơi nào đó hoặc khi bé được hướng dẫn tập đi
2. Dấu hiệu giao tiếp
Khoảng 40% trẻ em bị rối loạn phổ tự kỷ hoàn toàn không nói chuyện, và từ 25% đến 30% phát triển một số kỹ năng ngôn ngữ trong vài tháng đầu nhưng sau đó biến mất. Một số trẻ bị tự kỷ bắt đầu nói chuyện với những câu ngắn khi chúng lớn lên và môi trường sống thích hợp.
Một số vấn đề với giao tiếp, bao gồm:
- Kỹ năng nói và ngôn ngữ bị trì hoãn (chậm nói, ít nói)
- Giọng nói không có ngữ điệu, nói giống như robot
- Lặp đi lặp lại cùng một từ hoặc cụm từ (nói như con vẹt bắt chước người khác – Echolalia)
- Có vấn đề với đại từ nhân xưng
- Không sử dụng hoặc hiếm khi sử dụng ngôn ngữ cơ thể
- Không có khả năng bám theo chủ đề khi nói chuyện hoặc trả lời câu hỏi
- Không nhận ra sự mỉa mai hay nói đùa
3. Dấu hiệu hành vi
Trẻ bị tự kỷ cũng hành động theo những cách có vẻ khác thường hoặc có những sở thích kỳ lạ. Ví dụ về điều này có thể bao gồm:
- Các hành vi lặp đi lặp lại như vỗ tay, lắc lư, nhảy hoặc xoay tròn
- Di chuyển liên tục (tăng động)
- Có những sở thích kỳ lạ tách biệt so với những đứa trẻ khác
- Xếp đồ chơi thành hàng rồi ngồi nhìn ngắm trong thời gian dài
- Có sự gắn bó mạnh mẽ với đồ chơi mà chúng yêu thích
- Có các thói quen rập khuôn và khó chịu khi một thói quen bị thay đổi, thậm chí là rất nhỏ
- Cực kỳ nhạy cảm với việc đụng chạm cơ thể
- Có phản ứng bất thường đối với mọi thứ như âm thanh, ánh sáng, mùi vị…
- Thói quen ngủ và ăn uống bất thường
- Thiếu sự phối hợp, vụng về trong các hoạt động
- Không tập trung vào hướng dẫn của bố mẹ
- Tính bốc đồng (hành động không suy nghĩ)
- Hành vi hung hăng, với bản thân và người khác
- Phản ứng cảm xúc suy yếu hoặc thái quá với các sự kiện thông thường
Dấu hiệu tự kỷ theo từng độ tuổi của trẻ
Trước khi một đứa trẻ lên 3, bố mẹ có thể quan sát thấy các dấu hiệu của bệnh tự kỷ thông qua hành vi của bé. Một số trẻ phát triển bình thường cho đến 18-24 tháng tuổi, và sau đó dừng hoặc mất các kỹ năng.
1. Năm đầu tiên
Ngay cả trẻ nhỏ cũng rất hòa đồng. Vì vậy, bạn có thể phát hiện các dấu hiệu tự kỷ trong cách bé tương tác với thế giới xung quanh. Ở độ tuổi này, một đứa trẻ bị tự kỷ có thể:
- Không quay sang giọng nói của bố mẹ
- Không trả lời tên của mình
- Không nhìn vào mắt mọi người
- Không có bập bẹ những âm tiết đơn giản
- Không cười hay đáp lại tín hiệu xã hội từ người khác
Trẻ dưới 1 tuổi không mắc chứng tự kỷ cũng có thể có những hành vi này, nhưng tốt nhất là liên hệ với bác sĩ của bạn nếu bé có những dấu hiệu này trong năm đầu tiên.
2. Năm thứ hai
Các dấu hiệu tự kỷ sẽ dễ nhận thấy hơn khi bé được hơn 1 tuổi. Trong khi những đứa trẻ khác đang bập bẹ những từ đầu tiên và chỉ vào những thứ chúng muốn, một đứa trẻ mắc chứng tự kỷ vẫn không cho thấy những biểu hiện thông thường này.
Dấu hiệu tự kỷ ở trẻ từ 1 tuổi trở lên bao gồm:
- Không nói từ nào hoặc rất ít khi nói
- Không chơi trò chơi giả vờ (cù lét, đuổi bắt, trốn tìm, ú òa, đu tay) nào trong 18 tháng
- Không nói cụm từ nào dù bé đã 2 tuổi
- Mất kỹ năng ngôn ngữ
- Không có hứng thú khi người lớn chỉ ra các vật thể lạ, chẳng hạn như một chiếc máy bay bay trên đầu
Những người mắc chứng tự kỷ đôi khi có thể có các triệu chứng thực thể, bao gồm các vấn đề về tiêu hóa như táo bón và khó ngủ. Trẻ bị tự kỷ có thể có sự phối hợp kém của các cơ lớn được sử dụng để chạy và leo trèo, hoặc các cơ nhỏ hơn của bàn tay. Khoảng một phần ba số người mắc chứng tự kỷ thường xuyên bị co giật.
Tự kỷ ảnh hưởng như thế nào đến não của bé?
Tự kỷ ảnh hưởng đến các bộ phận của não kiểm soát cảm xúc, giao tiếp và chuyển động cơ thể. Vào những năm đầu chập chững, một số trẻ mắc bệnh tự kỷ có đầu và não lớn bất thường – điều này có thể là do các vấn đề về tăng trưởng não.
Các gen bất thường được truyền từ bố mẹ có thể liên quan đến suy giảm chức năng ở một số bộ phận của não. Các nhà nghiên cứu hy vọng sẽ tìm ra cách chẩn đoán bệnh tự kỷ thông qua quét não.
Sàng lọc và chẩn đoán bệnh tự kỷ
Nhiều trẻ em không được chẩn đoán mắc chứng rối loạn tự kỷ cho đến khi đi mẫu giáo hoặc thậm chí là vào lớp 1. Điều này sẽ bỏ lỡ sự giúp đỡ cần thiết trong những năm đầu của bé. Đó là lý do tại sao các hướng dẫn kêu gọi sàng lọc tất cả trẻ em từ 9 tháng tuổi nếu có sự chậm trễ trong các kỹ năng cơ bản.
Sàng lọc tự kỷ đặc biệt là cần thiết tại thời điểm:
- 18 tháng
- 24 tháng
- Trẻ có hành vi đáng lo ngại hoặc tiền sử gia đình mắc chứng tự kỷ
1. Chẩn đoán lời nói
Khi sàng lọc tự kỷ, bác sĩ sẽ kiểm tra xem cách mà bé phản ứng với giọng nói, nụ cười hoặc các biểu hiện khác của mọi người như thế nào. Một bài kiểm tra thính giác cũng có thể cần thiết.
Hầu hết trẻ tự kỷ cuối cùng sẽ nói, nhưng chúng làm như vậy muộn hơn những đứa trẻ khác. Điều này làm cho cuộc trò chuyện trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Trẻ em mắc bệnh tự kỷ cũng có thể nói theo cách hát hoặc giống robot.
2. Kỹ năng xã hội
Tránh giao tiếp với người khác là một dấu hiệu quan trọng của rối loạn phổ tự kỷ. Một nhà tâm lý học được đào tạo đặc biệt có thể giúp xác định các vấn đề xã hội của trẻ.
Trẻ bị tự kỷ có thể tránh nhìn vào mắt mọi người, kể cả cha mẹ của chúng. Chúng có thể tập trung chăm chú vào một vật thể, và bỏ qua những người khác xung quanh trong thời gian dài. Trẻ tự kỷ thường không sử dụng cử chỉ, ngôn ngữ cơ thể hoặc nét mặt để giao tiếp.
Không có xét nghiệm y tế cho bệnh tự kỷ, nhưng việc kiểm tra có thể hữu ích để loại trừ khả năng mất thính giác, khó nói, nhiễm độc chì hoặc các vấn đề phát triển không liên quan đến bệnh tự kỷ. Phụ huynh có thể cần trả lời một danh sách các câu hỏi để đánh giá hành vi và kỹ năng giao tiếp của trẻ. Điều trị sớm, lý tưởng nhất là trước 3 tuổi có thể cải thiện đáng kể sự phát triển của trẻ sau này.
Nét Bút Tri Ân