Mục lục bài viết
- 1 Bệnh Alzheimer là gì?
- 2 Thông tin nhanh
- 3 Điểm khác nhau giữa sa sút trí tuệ (Dementia) và bệnh Alzheimer
- 4 Nguyên nhân gây bệnh Alzheimer
- 5 Triệu chứng của bệnh Alzheimer
- 6 Các giai đoạn của bệnh Alzheimer
- 7 Chẩn đoán bệnh Alzheimer
- 8 Các phương pháp xét nghiệm
- 9 Thuốc trị bệnh Alzheimer
- 10 Các phương pháp điều trị khác
- 11 Cách phòng ngừa bệnh Alzheimer
- 12 Kết luận
Bệnh Alzheimer là một thoái hóa thần kinh, trong đó cái chết của các tế bào não gây mất trí nhớ và suy giảm nhận thức. Ban đầu, các triệu chứng thường nhẹ và khó nhận biết, nhưng chúng trở nên nghiêm trọng hơn theo thời gian.
Bệnh Alzheimer là gì?
Bệnh Alzheimer là một dạng tiến triển của hội chứng mất trí nhớ hay còn được gọi là sa sút trí tuệ (tiếng Anh: Dementia).
Sa sút trí tuệ là một thuật ngữ rộng nói về các tình trạng gây ra bởi chấn thương não hoặc các bệnh ảnh hưởng tiêu cực đến trí nhớ, suy nghĩ và hành vi. Những thay đổi này ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của người bệnh khiến họ không thể sinh hoạt bình thường được.
Theo Hiệp hội Alzheimer, bệnh Alzheimer chiếm 60 đến 80% các trường hợp sa sút trí tuệ. Hầu hết những người mắc bệnh đều được chẩn đoán sau 65 tuổi. Nếu được chẩn đoán sớm, nó thường được gọi là bệnh Alzheimer khởi phát sớm. Bệnh Alzheimer khởi phát sớm thường xảy ra ở độ tuổi 40 hoặc 50 và chiếm 5% các trường hợp.
Các triệu chứng của bệnh Alzheimer khởi phát sớm có thể bao gồm mất trí nhớ nhẹ, khó tập trung hoặc hoàn thành các công việc hàng ngày. Khó tìm từ chính xác trong lúc giao tiếp, có vấn đề về tầm nhìn chẳng hạn như rắc rối với khoảng cách.
Hiện tại thì chưa có cách chữa trị dứt điểm bệnh Alzheimer, nhưng có những phương pháp điều trị có thể làm chậm sự tiến triển của bệnh.
Thông tin nhanh
Mặc dù nhiều người đã nghe nói về bệnh Alzheimer, nhưng một số người không chắc chắn chính xác nó là gì. Dưới đây là một số thông tin ngắn gọn về tình trạng này:
- Bệnh Alzheimer là một tình trạng mãn tính tiếp diễn.
- Bệnh xảy ra khi các mảng chứa beta amyloid hình thành trong não.
- Các triệu chứng của bệnh xuất hiện từ từ và tác động lên não bị thoái hóa, có nghĩa là chúng gây ra sự suy giảm trí tuệ một cách chậm chạp và khó nhận biết.
- Không có cách chữa bệnh Alzheimer, nhưng việc điều trị có thể giúp làm chậm sự tiến triển của bệnh, qua đó cải thiện chất lượng cuộc sống.
- Bất cứ ai cũng có thể mắc bệnh Alzheimer nhưng một số người có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn người khác. Điều này bao gồm những người trên 65 tuổi và những người có tiền sử gia đình mắc bệnh này.
- Bệnh Alzheimer và sa sút trí tuệ không giống nhau. Bệnh Alzheimer là một loại riêng biệt trong tập hợp những bệnh lý liên quan đến trí nhớ (sa sút trí tuệ).
- Không có kết quả mong đợi duy nhất cho những người mắc bệnh Alzheimer. Một số người sống trong một thời gian dài với tổn thương nhận thức nhẹ, trong khi những người khác trải qua các triệu chứng khởi phát nhanh hơn và tiến triển bệnh nhanh hơn.
Mức độ ảnh hưởng của bệnh Alzheimer là khác nhau ở từng người.
Điểm khác nhau giữa sa sút trí tuệ (Dementia) và bệnh Alzheimer
Đôi khi các thuật ngữ này thường được sử dụng để thay thế cho nhau. Tuy nhiên, 2 tình trạng này không giống nhau. Alzheimer là một tình trạng sa sút trí tuệ phổ biến nhất.
Sa sút trí tuệ là một thuật ngữ rộng dùng để mô tả một nhóm các triệu chứng bao gồm mất trí nhớ, suy giảm khả năng phán đoán, nhầm lẫn, mất phương hướng và thay đổi hành vi. Đó là các tình trạng cụ thể như bệnh Alzheimer, bệnh Parkinson, chấn thương sọ não và những bệnh lý khác có thể gây ra các triệu chứng tương tự.
Nguyên nhân gây bệnh Alzheimer
Các chuyên gia chưa xác định được nguyên nhân cụ thể gây ra bệnh Alzheimer, nhưng họ đã xác định được các yếu tố nguy cơ nhất định:
- Tuổi tác: Hầu hết những người mắc bệnh Alzheimer đều từ 65 tuổi trở lên.
- Lịch sử gia đình: Nếu bạn có một thành viên gia đình đã phát triển tình trạng này, bạn sẽ có nhiều khả năng mắc bệnh.
- Di truyền học: Một số gen có liên quan đến bệnh Alzheimer.
Có một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ kể trên không có nghĩa là bạn sẽ mắc bệnh Alzheimer. Nó chỉ đơn thuần là tăng mức độ rủi ro của bạn. Để tìm hiểu thêm về nguy cơ mắc bệnh Alzheimer, hãy nói chuyện với bác sĩ.
Tính di truyền của bệnh Alzheimer:
Mặc dù chưa có ai xác định được nguyên nhân gây ra bệnh Alzheimer, nhưng di truyền có thể đóng một vai trò quan trọng. Một gen đặc biệt được các nhà nghiên cứu quan tâm. Apolipoprotein E ( APOE ) là một gen có liên quan đến sự xuất hiện của các triệu chứng Alzheimer ở người lớn tuổi.
Xét nghiệm máu có thể xác định xem bạn có gen này hay không, điều này làm tăng nguy cơ phát triển bệnh Alzheimer. Hãy nhớ rằng ngay cả khi ai đó có gen này, họ có thể không mắc bệnh Alzheimer.
Điều ngược lại cũng đúng: Ai đó vẫn có thể mắc bệnh Alzheimer ngay cả khi họ không có gen Apolipoprotein E. Không có cách nào để biết chắc chắn liệu ai đó sẽ phát triển bệnh Alzheimer. Các gen khác cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer và khởi phát sớm triệu chứng.
Triệu chứng của bệnh Alzheimer
Mọi người đều có những giai đoạn nhầm lẫn khi già đi. Nhưng những người mắc bệnh Alzheimer biểu hiện một số triệu chứng đang diễn ra theo thời gian. Chúng có thể bao gồm:
- Mất trí nhớ ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày, chẳng hạn như quên các cuộc hẹn
- Rắc rối với các tác vụ quen thuộc, chẳng hạn như sử dụng Tivi
- Khó khăn trong việc giải quyết vấn đề
- Rắc rối với lời nói hoặc văn bản
- Trở nên mất phương hướng về thời gian hoặc địa điểm
- Suy giảm nhận thức
- Khó khăn trong vệ sinh cá nhân
- Thay đổi tâm trạng và tính cách
- Ít giao tiếp với bạn bè, gia đình và cộng đồng
Triệu chứng có thể thay đổi theo giai đoạn của bệnh.
Các giai đoạn của bệnh Alzheimer
Bệnh Alzheimer là một bệnh tiến triển, có nghĩa là các triệu chứng sẽ dần dần xấu đi theo thời gian. Bệnh Alzheimer được chia thành 7 giai đoạn:
- Giai đoạn 1: Không có triệu chứng ở giai đoạn này nhưng có thể chẩn đoán sớm dựa trên tiền sử gia đình.
- Giai đoạn 2: Các triệu chứng sớm nhất xuất hiện, chẳng hạn như hay quên.
- Giai đoạn 3: Suy giảm thể chất và tinh thần nhẹ xuất hiện, chẳng hạn như giảm trí nhớ và sự tập trung. Những điều này chỉ có thể được nhận biết bởi một người rất gần gũi với người đó.
- Giai đoạn 4: Bệnh Alzheimer thường được chẩn đoán ở giai đoạn này, nhưng nó vẫn được coi là nhẹ. Mất trí nhớ và ít có khả năng thực hiện các công việc hàng ngày.
- Giai đoạn 5: Các triệu chứng từ trung bình đến nặng cần có sự giúp đỡ của người thân hoặc người chăm sóc.
- Giai đoạn 6: Ở giai đoạn này, một người mắc bệnh Alzheimer có thể cần giúp đỡ trong các hoạt động cơ bản, chẳng hạn như ăn uống và mặc quần áo.
- Giai đoạn 7: Đây là giai đoạn nặng nhất và cuối cùng của bệnh Alzheimer. Ở giai đoạn này người bệnh có thể bị mất khả năng nói, viết và ngôn ngữ hình thể.
Khi một người tiến triển qua các giai đoạn này, họ sẽ cần sự hỗ trợ ngày càng tăng từ người chăm sóc hoặc người thân trong gia đình.
Chẩn đoán bệnh Alzheimer
Cách chẩn đoán tối ưu nhất cho người mắc bệnh Alzheimer là kiểm tra mô não của họ sau khi chết. Nhưng bác sĩ cũng có thể sử dụng các bài kiểm tra và xét nghiệm khác để đánh giá khả năng tinh thần của bạn. Để sàng lọc và loại trừ các tình trạng bệnh lý khác.
Họ có thể bắt đầu bằng cách yêu cầu một lịch sử y tế:
- Triệu chứng
- Lịch sử y tế gia đình
- Tình trạng sức khỏe hiện tại hoặc quá khứ
- Thuốc đã sử dụng ở hiện tại hoặc quá khứ
- Chế độ ăn uống và các thói quen thường ngày
Từ đó, bác sĩ có thể sẽ thực hiện một số xét nghiệm để giúp xác định xem bạn có mắc bệnh Alzheimer hay không.
Các phương pháp xét nghiệm
Không có xét nghiệm cụ thể để đưa ra kết luận chính xác cho bệnh Alzheimer. Tuy nhiên, bác sĩ có thể làm một số xét nghiệm để chẩn đoán bệnh. Đây có thể là các xét nghiệm tâm thần, thể chất, thần kinh và hình ảnh.
Bác sĩ có thể bắt đầu với một bài kiểm tra tình trạng tâm thần. Điều này giúp họ đánh giá trí nhớ ngắn hạn, trí nhớ dài hạn cũng như khả năng định hướng địa điểm và thời gian. Ví dụ, họ có thể hỏi bạn:
- Hôm nay là ngày mấy
- Chủ tịch nước là ai
- Đọc và nhớ lại một danh sách các từ
Tiếp theo, bác sĩ có thể tiến hành kiểm tra thể chất. Ví dụ, họ sẽ kiểm tra huyết áp, đánh giá nhịp tim và đo nhiệt độ cơ thể. Trong một số trường hợp, họ có thể thu thập mẫu nước tiểu hoặc máu để xét nghiệm trong phòng thí nghiệm.
Bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra thần kinh để loại trừ các tình trạng bệnh lý khác, chẳng hạn như nhiễm trùng hoặc đột quỵ. Trong bài xét nghiệm này, họ sẽ kiểm tra phản xạ, trương lực cơ và lời nói của bạn.
Bác sĩ cũng có thể yêu cầu các nghiên cứu hình ảnh não bộ, để đánh giá trực quan hơn về bộ não của bạn, chúng có thể bao gồm:
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): MRI có thể giúp nhận ra các dấu hiệu quan trọng, chẳng hạn như viêm, chảy máu và các vấn đề cấu trúc.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT): Chụp CT có thể giúp bác sĩ tìm kiếm các đặc điểm bất thường trong não của bạn.
- Chụp cắt lớp phát xạ Positron (PET): Chụp PET có thể giúp bác sĩ phát hiện sự tích tụ mảng bám trong não. Mảng bám (beta amyloid) là một chất protein liên quan đến các triệu chứng Alzheimer.
Các xét nghiệm khác mà bác sĩ có thể thực hiện bao gồm xét nghiệm máu để kiểm tra các gen làm tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer.
Thuốc trị bệnh Alzheimer
Không có cách chữa trị bệnh Alzheimer. Tuy nhiên, bác sĩ có thể đề nghị dùng thuốc và các phương pháp điều trị khác nhằm giúp giảm bớt các triệu chứng, và trì hoãn sự tiến triển của bệnh càng lâu càng tốt.
Đối với bệnh Alzheimer khởi phát sớm đến trung bình, bác sĩ có thể kê toa các loại thuốc như donepezil (Aricept) hoặc Rivastigmine (Exelon). Những loại thuốc này sẽ giúp duy trì nồng độ acetylcholine cao trong não của bạn. Đây là một loại chất dẫn truyền thần kinh giúp hỗ trợ bộ nhớ ngắn và dài hạn.
Để điều trị bệnh Alzheimer từ giai đoạn trung bình đến nặng, bác sĩ có thể kê toa thuốc donepezil (Aricept) hoặc memantine (Namenda). Memantine có thể giúp ngăn chặn tác dụng của glutamate dư thừa. Glutamate là một hóa chất trong não được giải phóng với số lượng cao hơn trong bệnh Alzheimer và làm hỏng các tế bào não.
Bác sĩ cũng có thể khuyên bệnh nhân dùng thuốc chống trầm cảm hoặc thuốc chống loạn thần để giúp điều trị các triệu chứng liên quan đến bệnh Alzheimer. Những triệu chứng này bao gồm:
- Phiền muộn
- Bồn chồn
- Hiếu chiến
- Kích động
- Ảo giác
Các phương pháp điều trị khác
Ngoài việc dùng thuốc, thay đổi lối sống có thể giúp người bệnh kiểm soát tình trạng của mình. Ví dụ: bác sĩ có thể phát triển các chiến lược để giúp bạn hoặc người thân của bạn:
- Tập trung vào nhiệm vụ
- Hạn chế nhầm lẫn
- Tránh căng thẳng
- Nghỉ ngơi đầy đủ mỗi ngày
- Bình tĩnh, thư giãn
Một số người tin rằng vitamin E có thể giúp ngăn ngừa suy giảm khả năng tinh thần, nhưng một số chuyên gia cho rằng phải cần nhiều nghiên cứu hơn nữa để khẳng định. Hãy hỏi bác sĩ trước khi dùng vitamin E hoặc bất kỳ chất bổ sung nào khác. Bởi vì nó có thể ảnh hưởng đến một số loại thuốc đang được dùng để điều trị bệnh Alzheimer.
Cách phòng ngừa bệnh Alzheimer
Không có cách chữa trị bệnh Alzheimer, vì vậy cũng không có biện pháp phòng ngừa cụ thể nào. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đang tập trung vào thói quen sống nhằm hạn chế tối đa nguy cơ mắc bệnh Alzheimer.
Các biện pháp sau đây có thể giúp:
- Từ bỏ hút thuốc.
- Luyện tập thể dục thường xuyên.
- Hãy thử các bài tập huấn luyện nhận thức.
- Ăn nhiều rau củ quả.
- Tiêu thụ nhiều chất chống oxy hóa.
- Tham gia vào các hoạt động xã hội tích cực.
Hãy nói chuyện với bác sĩ trước khi thực hiện bất kỳ thay đổi lớn nào trong lối sống của bạn.
Kết luận
Bệnh Alzheimer là một căn bệnh phức tạp, trong đó có nhiều điều chưa được hiểu rõ. Điều được biết là tình trạng xấu đi theo thời gian, nhưng điều trị có thể giúp trì hoãn các triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Nếu bạn nghĩ rằng bạn hoặc người thân có thể mắc bệnh Alzheimer, bước đầu tiên là nói chuyện với bác sĩ. Họ có thể giúp chẩn đoán, thảo luận về những gì bạn có thể mong đợi và giúp kết nối bạn với các dịch vụ hỗ trợ. Nếu bạn quan tâm, họ cũng có thể cung cấp cho bạn thông tin về việc tham gia các thử nghiệm lâm sàng nhằm tìm ra phương pháp điều trị hiểu quả nhất.
Nét Bút Tri Ân – Theo: healthline.com