Mục lục bài viết
Một số người xuất hiện các triệu chứng của ung thư phổi và đến gặp bác sĩ. Nhưng đối với nhiều người khác, ung thư phổi không cho thấy bất kỳ dấu hiệu rõ ràng nào cho đến khi bệnh tiến triển nặng. Đó là khi khối u phát triển về kích thước hoặc lan rộng đến các bộ phận khác của cơ thể.
Hầu hết các bệnh ung thư đều khó điều trị khi ở giai đoạn cuối. Vì vậy, một số bác sĩ khuyến khích mọi người nên tầm soát hay sàng lọc ung thư phổi để có thể phát hiện sớm tình trạng bệnh lý của mình.
Tầm soát liên quan đến việc kiểm tra, truy tìm dấu vết của ung thư phổi trước khi các triệu chứng trở nên rõ ràng hơn. Tầm soát có thể giúp phát hiện sớm ung thư nhưng nó cũng mang một số rủi ro tiềm ẩn. Sau đây là những điều bạn cần biết về tầm soát ung thư phổi.
Tầm soát ung thư phổi là gì?
Tầm soát hoặc sàng lọc ung thư phổi là một quá trình bao gồm nhiều phương pháp xét nghiệm nhằm phát hiện sớm những tổn thương có khả năng gây ung thư phổi, để giúp việc điều trị đạt kết quả tốt và kéo dài sự sống cho người bệnh.
Hiện tại, phương pháp xét nghiệm tầm soát thường được đề nghị cho bệnh ung thư phổi là chụp cắt lớp vi tính phổi liều thấp (chụp CT phổi liều thấp). Phương pháp này tạo ra hình ảnh bên trong cơ thể, trong trường hợp này là phổi – sử dụng liều bức xạ thấp.
Các xét nghiệm sàng lọc được tiến hành trên những người không có triệu chứng. Những xét nghiệm này tìm kiếm các tổn thương hoặc khối u bất thường có thể giúp phát hiện sớm ung thư phổi.
Nếu chụp CT phổi liều thấp cho thấy có sự bất thường, bệnh nhân cần có thêm những xét nghiệm khác để chẩn đoán chính xác căn bệnh nguy hiểm này. Điều này bao gồm: Sinh thiết phổi bằng kim hoặc phẫu thuật để lấy mô phổi.
Tầm soát ung thư phổi có những ưu điểm gì?
Ung thư phổi là một căn bệnh nguy hiểm gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Rất nhiều nguyên nhân khiến một người mắc bệnh này, ngay cả những người không hút thuốc lá vẫn có thể bị ung thư phổi.
Đừng lo lắng, giống như bất kỳ loại ung thư nào, nếu ung thư phổi được phát hiện sớm thì người bệnh sẽ có nhiều triển vọng trong việc điều trị.
Bệnh ung thư phổi thường không có triệu chứng rõ ràng trong giai đoạn đầu. Vì vậy, việc tầm soát có thể giúp phát hiện các tế bào ung thư ở giai đoạn sớm nhất.
Nếu bạn được chẩn đoán ung thư khi nó chưa lan sang các bộ phận khác của cơ thể, thì việc điều trị sẽ dễ dàng hơn. Nó có thể giúp tình trạng bệnh thuyên giảm và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Tầm soát ung thư phổi có những nhược điểm gì?
Mặc dù tầm soát ung thư phổi là hữu ích, nhưng nó cũng mang nhiều rủi ro. Việc tầm soát có thể dẫn đến kết quả dương tính giả với ung thư phổi.
Một kết quả dương tính giả là khi kết quả chụp CT phổi liều thấp cho thấy bệnh nhân dương tính với ung thư, nhưng sự thật là người đó không mắc bệnh. Do đó, để chẩn đoán chính xác thì người bệnh phải cần thêm các phương pháp xét nghiệm khác.
Sau khi chụp CT cho kết quả dương tính, bác sĩ sẽ thực hiện sinh thiết phổi. Mẫu được gửi đến phòng thí nghiệm để kiểm tra trong nhiều ngày.
Trong thời gian này, những người nhận được một dương tính giả có thể trải qua tình trạng hỗn loạn tinh thần, sử dụng các loại thuốc trị ung thư phổi chưa rõ nguồn gốc hoặc thậm chí là tiến hành phẫu thuật ngay lập tức.
Tầm soát ung thư phổi cũng có thể dẫn đến việc chẩn đoán quá mức tình trạng của bệnh. Mặc dù có một khối u trong phổi, nhưng nó có thể là lành tính. Hoặc ung thư có thể chậm phát triển và không gây ra vấn đề gì trong nhiều năm.
Trong cả hai trường hợp, điều trị có thể không cần thiết vào lúc đó. Người bệnh phải đối mặt với các phương pháp điều trị mệt mỏi, thăm khám theo dõi thường xuyên, chi phí y tế cao…và lo lắng thái hóa ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống.
Những người bị chẩn đoán cực đoan cũng có thể dành hết phần còn lại của cuộc đời để xét nghiệm, điều trị từ nơi này sang nơi khác. Điều này khiến cơ thể thường xuyên tiếp xúc với bức xạ, và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư khác.
Ngoài ra, theo thống kê thì có 20 đến 40% trường hợp chẩn đoán sai khi áp dụng phương pháp tầm soát phổ biến nhất hiện này là chụp CT phổi liều thấp. Điều này cho thấy, tầm soát ung thư phổi không phải là phương pháp mà tất cả mọi người đều có thể áp dụng.
Người nào nên áp dụng tầm soát ung thư phổi?
Vì những rủi ro, nên không phải người nào cũng có thể áp dụng tầm soát ung thư phổi để phát hiện sớm tình trạng bệnh của mình. Các bác sĩ thường đề nghị tầm soát cho những người có nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi cao.
Điều này bao gồm những người nghiện thuốc lá trong độ tuổi từ 55 đến 75 (nghiện thuốc lá có nghĩa là hút một gói một ngày trong 30 năm hoặc hơn). Ngoài ra, những người thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc, không khí ô nhiễm hoặc những người nghiện hút thuốc đã bỏ hút trong 15 năm qua cũng nên được khám nghiệm.
Những người áp dụng tầm soát ung thư phổi phải khỏe mạnh để hoàn thành việc điều trị nếu họ được chẩn đoán. Điều trị có thể bao gồm hóa trị, xạ trị hoặc phẫu thuật. Hóa trị và xạ trị được thiết kế để tiêu diệt tế bào ung thư, trong khi phẫu thuật nhằm loại bỏ các khối u ung thư.
Các triệu chứng của ung thư phổi là gì?
Việc tầm soát ung thư phổi có nhiều rủi ro tiềm ẩn và chi phí rất cao. Nếu bạn quyết định không tầm soát, hãy tìm hiểu cách nhận biết những dấu hiệu sớm của ung thư phổi. Như thế, bạn có thể phát hiện sớm ung thư và được điều trị kịp thời.
Các triệu chứng ung thư phổi có thể bao gồm:
- Ho liên tục và trở nặng
- Ho ra máu
- Đau ngực
- Khàn tiếng
- Ăn không ngon
- Khó thở
- Mệt mỏi
- Thở khò khè
- Nhiễm trùng đường hô hấp
Tầm soát ung thư phổi có thể giúp phát hiện sớm các tế bào ung thư, nhưng nó có thể gây hại nhiều hơn lợi. Nếu bạn có nguy cơ bị ung thư phổi và đáp ứng các hướng dẫn tầm soát, hãy trao đổi với bác sĩ để xem đây có phải là lựa chọn phù hợp với bạn hay không.
Ngoài ra, hãy thực hiện các bước để giảm nguy cơ ung thư phổi. Điều này bao gồm bỏ thuốc lá, tránh hút thuốc lá thụ động, tập thể dục thường xuyên và áp dụng chế độ ăn uống giúp ngăn ngừa ung thư phổi.
Nét Bút Tri Ân – Theo: healthline