Mục lục bài viết
Trào ngược dạ dày thực quản là một tình trạng phổ biến xảy ra ở nhiều người, nó thường được gọi là chứng ợ nóng, ợ chua hay khó tiêu ở vùng ngực. Bệnh xảy ra khi axit dạ dày chảy ngược trở lại vào thực quản, đường ống dẫn thức ăn. Hôm nay, khoequadi.com sẽ cung cấp cho bạn kiến thức tổng quát về căn bệnh khó chịu này.
Tóm tắt thông tin
Dưới đây là một số điểm chính về trào ngược axit dạ dày thực quản, chi tiết hơn nằm trong bài viết chính.
- Trào ngược dạ dày thực quản còn được gọi là chứng ợ nóng, ợ chua hay khó tiêu axit.
- Nó xảy ra khi một số thành phần trong dạ dày có tính axit quay trở lại vào thực quản.
- Trào ngược axit dạ dày tạo ra một cơn đau cháy ở vùng ngực dưới, thường là sau khi ăn.
- Các yếu tố nguy cơ bao gồm béo phì và hút thuốc lá.
- Điều trị trào ngược dạ dày bằng thuốc là phương pháp điều trị phổ biến nhất.
Trào ngược dạ dày thực quản là gì?
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (tiếng Anh: GERD) xảy ra khi axit dạ dày thường xuyên chảy ngược vào ống dẫn thức ăn nối từ miệng đến dạ dày của bạn (thực quản). Sự trào ngược axit này có thể kích thích niêm mạc thực quản và gây tổn thương.
Dạ dày có chứa axit hydrochloric, một loại axit mạnh giúp phân hủy thức ăn và bảo vệ chống lại các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn. Lớp lót của dạ dày được cấu tạo nhằm bảo vệ nó khỏi axit mạnh, nhưng thực quản thì không được bảo vệ như thế.
Cơ vòng thực quản thường hoạt động như một van cho phép thức ăn vào dạ dày nhưng không trở lại thực quản. Khi van này không đóng lại, thức ăn trong dạ dày sẽ trào ngược trở lại vào thực quản gây chứng ợ nóng rất khó chịu.
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản được chẩn đoán khi tình trạng trào ngược axit xảy ra nhiều hơn 2 lần một tuần. Đây là một bệnh phổ biến ở các nước phương Tây, ảnh hưởng đến khoảng 20 đến 30 phần trăm dân số. Trào ngược dạ dày mãn tính có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng.
Nguyên nhân gây trào ngược axit dạ dày
Khi bạn nuốt thức ăn, một vòng tròn cơ xung quanh đáy thực quản của bạn (cơ vòng thực quản dưới) giãn ra để cho thức ăn và chất lỏng chảy vào dạ dày của bạn. Sau đó, cơ vòng sẽ đóng lại.
Nếu cơ vòng giãn bất thường hoặc yếu đi, axit dạ dày có thể chảy ngược trở lại vào thực quản của bạn. Sự trào ngược liên tục của axit dạ dày sẽ kích thích lớp lót thực quản khiến cho nó bị viêm.
Trào ngược dạ dày thực quản (GERD) ảnh hưởng đến mọi người ở mọi lứa tuổi, đôi khi cũng không rõ lý do. Thông thường là do lối sống, nhưng nó cũng có thể là do nguyên nhân bất khả kháng.
Một nguyên nhân khó có thể ngăn ngừa là chứng hernia (sa ruột – thoát vị). Một lỗ trong cơ hoành cho phép phần trên của dạ dày xâm nhập vào khoang ngực dẫn đến trào ngược axit dạ dày.
Các yếu tố nguy cơ khác được kiểm soát dễ dàng hơn:
- Béo phì
- Hút thuốc (chủ động hoặc thụ động)
- Ít tập thể dục
- Rối loạn mô liên kết, chẳng hạn như xơ cứng bì
- Thuốc, bao gồm thuốc cho bệnh hen suyễn, thuốc chẹn kênh canxi, thuốc kháng histamin, thuốc giảm đau, thuốc an thần và thuốc chống trầm cảm.
Mang thai có thể gây trào ngược axit do áp lực của thai nhi lên các cơ quan nội tạng. Ngoài ra, thực phẩm và thói quen ăn uống cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến trào ngược axit dạ dày:
- Cà phê
- Rượu
- Một lượng muối ăn cao
- Chế độ ăn ít chất xơ
- Ăn những bữa ăn lớn
- Ăn các loại thực phẩm chứa nhiều chất béo, dầu mỡ hay đồ chiên
- Nằm nghỉ sau khi vừa mới ăn no
- Tiêu thụ quá nhiều sô cô la, đồ uống có ga và nước có tính axit
Một nghiên cứu gần đây cho thấy rằng, chế độ ăn uống cho bệnh trào ngược dạ dày có thể có hiệu quả như việc sử dụng thuốc ức chế bơm proton (PPI) trong điều trị.
Triệu chứng của trào ngược dạ dày
Phản ứng trào ngược axit thường gây ra chứng ợ nóng (heartburn), cho dù là thỉnh thoảng hoặc mạn tính.
Ợ nóng là một cảm giác nóng rát khó chịu xảy ra trong thực quản và được cảm thấy phía sau khu vực xương ức. Nó có xu hướng trở nên tồi tệ hơn khi nằm xuống hoặc cúi xuống. Ợ nóng có thể kéo dài vài giờ và thường trở nên trầm trọng hơn sau khi ăn.
Cơn đau của chứng ợ nóng có thể di chuyển về phía cổ họng. Dịch dạ dày có thể chạm vào cổ họng trong một số trường hợp và tạo ra vị đắng hoặc chua.
Nếu chứng ợ nóng xảy ra nhiều hơn 2 lần mỗi tuần thì nó được gọi là bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD).
Các triệu chứng khác của trào ngược dạ dày bao gồm:
- Buồn nôn
- Ói mửa
- Các vấn đề về cổ họng, chẳng hạn như đau nhức, khàn giọng
- Khó khăn hoặc đau khi nuốt
- Đau ngực hoặc bụng trên
- Xói mòn răng
- Hơi thở hôi
- Cảm giác cục u trong cổ họng
Nếu bạn bị trào ngược axit dạ dày vào ban đêm, bạn cũng có thể bị:
- Ho mãn tính
- Viêm thanh quản
- Thở khò khè
- Hen suyễn và viêm phổi tái phát
- Giấc ngủ bị gián đoạn
Rủi ro và biến chứng
Nếu không được điều trị, bệnh trào ngược dạ dày thực quản có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng trong thời gian dài, bao gồm nguy cơ mắc bệnh ung thư.
Việc tiếp xúc dai dẳng với axit dạ dày có thể làm tổn thương thực quản, dẫn đến:
- Viêm thực quản: Lớp niêm mạc thực quản bị viêm, gây kích ứng, chảy máu và loét trong một số trường hợp
- Thu hẹp thực quản: Tổn thương do axit dạ dày gây ra dẫn đến hình thành mô sẹo và thu hẹp thực quản. Điều này khiến cho việc nuốt thức ăn trở nên khó khăn
- Barrett thực quản: một biến chứng nghiêm trọng khi tiếp xúc nhiều lần với axit dạ dày gây ra những thay đổi trong các tế bào và mô lót thực quản với khả năng phát triển thành tế bào ung thư
Cả viêm thực quản và Barrett thực quản đều có thể làm tăng nguy cơ bị ung thư.
Chẩn đoán
Trào ngược dạ dày là tình trạng phổ biến và tương đối dễ chẩn đoán, tuy nhiên, chúng có thể nhầm lẫn với các bệnh lý khác như:
- Đau tim
- Viêm phổi
- Đau ngực
- Thuyên tắc phổi
Trào ngược axit dạ dày thường được chẩn đoán đơn giản, các bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa cũng có thể tiến hành các xét nghiệm sau đây:
- Nội soi dạ dày thực quản: Hình ảnh camera
- Sinh thiết: Lấy mẫu mô để phân tích trong phòng thí nghiệm
- Chụp X-quang hệ thống tiêu hóa: Chụp ảnh thực quản, dạ dày và tá tràng trên sau khi nuốt chất lỏng dạng phấn giúp tạo độ tương phản trên hình ảnh.
- Đo huyết áp thực quản: Đo áp suất thực quản
- Thăm dò trở kháng: Đo tốc độ dịch chuyển dọc theo thực quản. Bạn có thể được yêu cầu nuốt viên thuốc bari để giúp chẩn đoán việc thu hẹp thực quản có thể gây trở ngại cho việc nuốt.
- Thăm dò pH: Kiểm tra độ chua
Phương pháp điều trị bệnh trào ngược dạ dày thực quản
Hầu hết mọi người có thể quản lý sự khó chịu của bệnh trào ngược dạ dày với những thay đổi về lối sống và thuốc không theo toa. Nhưng một số người có thể cần thuốc mạnh hơn hoặc phẫu thuật để giảm bớt các triệu chứng.
Các lựa chọn điều trị chính cho trào ngược dạ dày là:
- Thuốc ức chế bơm proton (PPI) bao gồm omeprazole, rabeprazol và esomeprazole
- Thuốc chẹn H2, bao gồm cimetidin, ranitidine và famotidine
- Các phương pháp điều trị không kê đơn, chẳng hạn như thuốc kháng axit mà bạn có thể mua ngoài tiệm thuốc
- Thuốc alginate, bao gồm cả Gaviscon
Các phương pháp điều trị chính cho những người nhiều lần bị trào ngược dạ dày thực quản là thuốc ức chế bơm proton hoặc chất chẹn H2. Thuốc ức chế PPI và H2 giúp làm giảm sản xuất axit và giảm nguy cơ tổn thương do trào ngược axit.
- Tham khảo thêm: 15 mẹo làm giảm trào ngược axit dạ dày vô cùng hiệu quả
Các loại thuốc này nói chung là an toàn và hiệu quả, nhưng cũng giống như bất kỳ loại thuốc theo toa khác, chúng không thích hợp cho tất cả những người bị bệnh trào ngược dạ dày và có thể gây tác dụng phụ. Ví dụ, chúng có thể gây ra vấn đề về hấp thu chất dinh dưỡng. Điều này có thể dẫn đến suy dinh dưỡng.
Thuốc không theo toa
Đối với những người bị ợ nóng hoặc khó tiêu không thường xuyên, thì việc thay đổi lối sống và sử dụng thuốc không theo toa có thể làm giảm độ chua của thức ăn trong dạ dày.
Những công thức dạng lỏng và viên này được gọi là thuốc kháng axit và có hàng chục nhãn hiệu sẵn có ngoài tiệm thuốc, tất cả đều có hiệu quả tương tự. Tuy nhiên, một số có thể là không tương thích với tất cả mọi người, do đó bạn nên thảo luận với bác sĩ nếu sử dụng thường xuyên.
Thuốc kháng axit cung cấp cứu trợ nhanh chóng nhưng ngắn hạn bằng cách giảm độ axit của dạ dày. Chúng chứa các hợp chất hóa học như calcium carbonate, sodium bicarbonate, nhôm và magnesium hydroxide. Chúng cũng có thể ức chế hấp thụ chất dinh dưỡng dẫn đến thiếu hụt dinh dưỡng nếu dùng trong thời gian dài.
Thuốc Gaviscon điều trị trào ngược dạ dày
Gaviscon có lẽ là thuốc được sử dụng phổ biến nhất cho bệnh trào ngược dạ dày. Nó có một phương thức hoạt động khác với thuốc kháng axit. Các loại thuốc kết hợp như Gaviscon thay đổi một chút trong thành phần, nhưng chúng thường chứa một thành phần kháng axit.
Axit alginic hoạt động bằng cách tạo ra một rào cản cơ học chống lại axit dạ dày, đó là một lớp gel bảo vệ nằm ở phía trên cùng của dạ dày.
Trào ngược axit dạ dày sẽ trở nên vô hại vì nó bao gồm axit alginic như lớp bảo vệ dạ dày và thực quản. Thành phần hoạt chất alginate được tìm thấy tự nhiên trong tảo nâu.
Các phương pháp điều trị khác có thể bao gồm:
- Thuốc ức chế axit sucralfat
- Thuốc chẹn axit kali-cạnh tranh
- Thuốc tăng cường cơ vòng thực quản dưới
- Chất dẫn truyền thần kinh GABA (B)
- Đối kháng mGluR5
- Thuốc hỗ trợ nhu động
- Bộ điều biến đau
- Thuốc chống trầm cảm ba vòng
- Các chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs)
- Theophylline, một chất ức chế tái hấp thu serotonin-norepinephrine
Nếu bệnh trào ngược dạ dày thực quản nghiêm trọng và không đáp ứng với điều trị y tế, người bệnh có thể cần đến phẫu thuật bao đáy vị (fundoplication nissen).
Thay đổi lối sống và biện pháp khắc phục tại nhà
Các biện pháp thay đổi lối sống giúp rất nhiều trong việc điều trị trào ngược dạ dày:
- Cải thiện tư thế khi ngồi và nằm
- Đừng nằm xuống sau các bữa ăn
- Ăn từ từ và nhai kỹ
- Mặc quần áo rộng
- Giảm cân nếu thừa cân hoặc béo phì
- Tránh tăng áp lực lên bụng
- Ngừng hút thuốc lá
- Hạn chế sử dụng rượu bia
- Hạn chế uống cà phê và nước tăng lực
Cam thảo và hoa cúc đôi khi được sử dụng để giảm triệu chứng của trào ngược dạ dày thực quản. Tuy nhiên, các biện pháp thảo dược có thể có tác dụng phụ nghiêm trọng và ảnh hưởng đến thuốc. Hãy hỏi bác sĩ về liều lượng an toàn trước khi bắt đầu bất kỳ phương thuốc thảo dược nào.
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo chế độ ăn uống giúp giảm trào ngược dạ dày mà chúng tôi đã chia sẻ.
Nét Bút Tri Ân