Bệnh tật

Bệnh sỏi thận là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

những điều cần biết về bệnh sỏi thận

Tỷ lệ người mắc bệnh sỏi thận đang ngày càng gia tăng ở Việt Nam, đặc biệt là bệnh có xu hướng “trẻ hóa” và xuất hiện nhiều ở thanh thiếu niên. Các chuyên gia ước tính rằng một trong mười người sẽ bị sỏi thận vào một lúc nào đó trong đời.

Ở nam giới, sỏi thận có nhiều khả năng xuất hiện sau 30 tuổi, nhưng nó có thể xuất hiện sớm hơn. Các bệnh khác như huyết áp cao, tiểu đường và béo phì có thể làm tăng nguy cơ sỏi thận.

Sỏi thận là gì?

soi-than-la-gi
Sỏi thận là một “vật cứng” được tạo thành từ các chất khoáng lắng đọng trong nước tiểu

Sỏi thận hay sạn thận là một bệnh lý nói về tình trạng xuất hiện các tinh thể rắn trong hệ tiết niệu (thận, niệu quản, bàng quang…), gây tắc nghẽn, đau đớn và làm tăng nguy cơ mắc các biến chứng nguy hiểm khác như bệnh thận mạn tính hoặc suy thận.

Sỏi thận là một “vật cứng” được tạo thành từ các chất khoáng lắng đọng trong nước tiểu. Nước tiểu có nhiều loại chất khoáng dư thừa hòa tan trong đó, khi lượng nước tiểu giảm mà lượng chất khoáng lại tăng cao thì các tinh thể bắt đầu hình thành. Các tinh thể thu hút các yếu tố khác và kết hợp với nhau để tạo thành một “viên sỏi” và dần lớn hơn trừ khi nó được đưa ra khỏi cơ thể.

Thông thường, các chất khoáng dư thừa này được loại bỏ trong nước tiểu bởi nhà hóa học bậc thầy của cơ thể đó là thận. Ở hầu hết mọi người, nước sẽ giúp làm loãng lượng chất khoáng hoặc loại bỏ những viên sỏi nhỏ thông qua nước tiểu. Các chất khoáng tạo nên sỏi thận là canxi, oxalate, urate, cystine, xanthine và phosphate.

Sau khi nó được hình thành, sỏi có thể ở trong thận hoặc đi xuống đường tiết niệu vào niệu quản. Đôi khi, những viên đá nhỏ di chuyển ra khỏi cơ thể qua nước tiểu mà không gây ra nhiều đau đớn. Nhưng với những viên sỏi lớn hơn có thể gây tắc nghẽn nước tiểu ở thận, niệu quản, bàng quang hoặc niệu đạo. Đây là những gì gây ra cơn đau dữ dội ở những người bị sỏi thận.

Có bao nhiêu loại sỏi thận?

soi-than-thuong-gap

Có bốn loại sỏi thận chính đó là:

  1. Canxi oxalate: Loại sỏi thận phổ biến nhất được tạo ra khi canxi kết hợp với oxalate trong nước tiểu. Người có lượng canxi thấp và uống ít nước, cũng như các điều kiện khác có thể góp phần vào sự hình thành của loại sỏi thận này.
  2. Axit uric: Đây là một loại sỏi thận phổ biến khác. Các loại thực phẩm như thịt nội tạng và động vật có vỏ chứa nhiều purin, một hợp chất hóa học tự nhiên khiến cơ thể sản xuất nhiều urate monosodium và trong điều kiện thích hợp có thể hình thành sỏi trong thận. Ngoài ra, sỏi thận axit uric còn có tính di truyền trong gia đình.
  3. Struvite: Loại sỏi thận này ít phổ biến hơn và được gây ra bởi sự nhiễm trùng ở đường tiết niệu trên.
  4. Cystine: Những viên sỏi thận loại này rất hiếm và có xu hướng di truyền trong gia đình.

Nguyên nhân nào gây sỏi thận?

Những nguyên nhân gây sỏi thận bao gồm:

  • Chế độ ăn uống không hợp lý
  • Uống ít nước
  • Cao huyết áp, béo phì
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu
  • Rối loạn chuyển hóa
  • Rối loạn canxi máu
  • Uống thuốc không theo hướng dẫn của bác sĩ
  • Di truyền

Ngoài ra, tiêu thụ quá nhiều đường fructose cũng làm tăng nguy cơ phát triển sỏi thận ở nhiều người. Fructose có thể được tìm thấy trong trái cây, mía và si-rô ngô có hàm lượng đường fructose cao.

Người bị sỏi thận có những triệu chứng gì?

Một số viên sỏi thận nhỏ như hạt cát và không gây ảnh hưởng gì. Nhưng với nhiều trường hợp bị đau dữ dội phải đi bệnh viện thì kích thước viên sỏi thường là 5mm cho đến 2cm. Trong số ít trường hợp, viên sỏi thận có thể to bằng quả bóng đánh golf! Theo nguyên tắc chung, viên sỏi càng lớn thì các triệu chứng càng dễ nhận thấy.

Các triệu chứng của bệnh sỏi thận có thể là một hoặc nhiều điều sau đây:

  • Đau ở hai bên lưng dưới, đùi, bẹn hoặc bộ phận sinh dục
  • Cơn đau quặn vùng bụng hoặc đau dạ dày liên tục
  • Có máu trong nước tiểu
  • Buồn nôn hoặc ói mửa
  • Sốt và ớn lạnh
  • Đổ mồ hôi
  • Nước tiểu có mùi hôi hoặc có nhiều màng mây mờ

Sỏi thận bắt đầu gây đau khi nó gây kích ứng hoặc tắc nghẽn đường tiết niệu do kích thước phát triển. Thuốc giảm đau có thể là phương pháp điều trị duy nhất cần thiết cho những viên sỏi nhỏ. Các điều trị khác có thể cần thiết, đặc biệt đối với những viên sỏi to gây ra các triệu chứng kéo dài hoặc các biến chứng nguy hiểm. Trong một trường hợp nghiêm trọng thì người bệnh sỏi thận phải cần đến phẫu thuật để lấy sỏi ra khỏi cơ thể.

Bệnh sỏi thận thường dẫn đến các biến chứng gì?

soi-than-co-het-khong
Những người đã từng bị sỏi thận có 60-80% khả năng mắc lại căn bệnh này

Các biến chứng phát triển do kết quả của sỏi thận là rất hiếm. Bởi vì trong hầu hết trường hợp, bệnh sỏi thận được xác định và điều trị trước khi xuất hiện các biến chứng nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu viên sỏi gây tắc nghẽn lâu dài, người bệnh sẽ có nguy cơ nhiễm trùng và trong trường hợp rất hiếm, thận của người bệnh có thể bị tổn thương.

Bệnh sỏi thận nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng sau:

  • Nhiễm trùng huyết
  • Tổn thương niệu quản
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu
  • Viêm bể thận cấp
  • Ứ mủ bể thận
  • Suy thận
  • Vỡ thận

Ngoài ra, biến chứng phổ biến nhất là bệnh sỏi thận có thể tái phát. Những người đã từng bị sỏi thận có 60-80% khả năng mắc lại căn bệnh này trong cuộc đời của họ.

Nên làm gì nếu nghi ngờ mình bị sỏi thận?

Gặp bác sĩ càng sớm càng tốt. Bạn có thể được yêu cầu uống thêm nước trong một nỗ lực để thải những viên sỏi nhỏ thông qua nước tiểu. Nếu bạn may mắn thải được vài viên sỏi thận nhỏ ra ngoài, hãy mang nó đến bác sĩ của bạn để họ phân tích thêm.

Bệnh sỏi thận được chẩn đoán như thế nào?

xac-dinh-soi-than
 X-quang KUB” (X-quang hệ tiết niệu) sẽ cho thấy kích thước của viên sỏi và vị trí của nó

Chẩn đoán sỏi thận bắt đầu bằng tiền sử bệnh, khám thực thể và các xét nghiệm hình ảnh. Bác sĩ sẽ muốn biết chính xác kích thước và hình dạng của sỏi thận.

Điều này có thể được thực hiện với chụp CT độ phân giải cao từ thận xuống bàng quang, hoặc chụp “X-quang KUB” (X-quang hệ tiết niệu) sẽ cho thấy kích thước của viên sỏi và vị trí của nó.

X-quang KUB thường được các bác sĩ phẫu thuật sử dụng để xác định xem viên sỏi có phù hợp để điều trị sóng xung kích hay không. Thử nghiệm KUB có thể được sử dụng để theo dõi viên sỏi trước và sau khi điều trị, nhưng CT scan thường được ưu tiên chẩn đoán lúc ban đầu.

Ở một số người, bác sĩ sẽ chụp thận tĩnh mạch (lVP) để thu thập thông tin và đánh giá tình trạng của hệ tiết niệu. Trong chụp thận tĩnh mạch, một loại thuốc nhuộm được gọi là “chất cản quang” được tiêm vào tĩnh mạch ở cánh tay để máy chụp X-quang lưu lại các hình ảnh của thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo.

Thứ hai, các bác sĩ sẽ quyết định phương pháp điều trị bệnh sỏi thận của bạn. Sức khỏe của thận sẽ được đánh giá bằng xét nghiệm máu và xét nghiệm nước tiểu. Sức khỏe tổng thể của bạn, kích thước và vị trí của viên sỏi cũng được xem xét.

Sau đó, bác sĩ sẽ truy tìm nguyên nhân gây ra bệnh sỏi thận. Sỏi sẽ được phân tích sau khi nó ra khỏi cơ thể, và bác sĩ sẽ kiểm tra máu của bạn để tìm canxi, phốt pho và axit uric. Bác sĩ cũng có thể yêu cầu bạn thu thập nước tiểu trong 24 giờ để kiểm tra canxi và axit uric.

Tại sao bác sĩ cần phân tích viên sỏi?

phan-tich-soi-than
Bác sĩ phải kiểm tra viên sỏi thận của bạn để xác định chính xác loại cũng như nguyên nhân gây tạo để có hướng điều trị phù hợp

Có bốn loại sỏi thận. Phân tích viên sỏi giúp bác sĩ hiểu lý do tại sao bạn có nó và làm thế nào để giảm nguy cơ mắc bệnh sỏi thận sau này. Loại sỏi thận phổ biến nhất có chứa canxi. Canxi là một thành phần bình thường của chế độ ăn uống lành mạnh.

Thận thường loại bỏ lượng canxi mà cơ thể không cần. Thông thường những người bị sỏi tích trữ quá nhiều lượng canxi dư thừa này. Canxi kết hợp với các chất thải khác như oxalate để tạo thành tinh thể sỏi thận. Sự kết hợp phổ biến nhất được gọi là canxi oxalate.

Các loại sỏi ít phổ biến hơn là sỏi liên quan đến nhiễm trùng, có chứa magiê và amoniac được gọi là sỏi struvite và sỏi hình thành từ tinh thể urate monosodium, được gọi là sỏi axit uric, có thể liên quan đến béo phì và chế độ ăn uống. Loại sỏi thận hiếm nhất là sỏi cvstine có xu hướng di truyền trong gia đình.

Vì vậy, bác sĩ phải kiểm tra viên sỏi thận của bạn để xác định chính xác loại cũng như nguyên nhân gây tạo để có hướng điều trị phù hợp.

Bệnh sỏi thận có nguy hiểm không?

Sỏi thận làm tăng nguy cơ phát triển bệnh thận mạn tính và suy thận. Nếu bạn đã có một viên sỏi trong thận, bạn có nguy cơ xuất hiện một viên sỏi khác.

Những người được chẩn đoán sỏi thận có nguy cơ xấp xỉ 50% để phát triển thêm một viên sỏi khác trong vòng 5 đến 7 năm. Người bệnh sỏi thận không được điều trị kịp thời có thể gặp phải các biến chứng nguy hiểm khác vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến hệ tiết niệu, hệ thống cơ quan rất quan trọng của cơ thể.

Làm thế nào ngăn ngừa bệnh sỏi thận?

Uống đủ nước: Uống đủ nước sẽ giúp làm loãng lượng chất khoáng dư thừa trong nước tiểu. Hầu hết mọi người nên uống hơn 12 ly nước mỗi ngày. Nước tốt hơn soda, nước ngọt, cà phê hoặc trà. Nếu bạn tập thể dục hoặc trời quá nóng, bạn nên uống nhiều nước hơn bình thường. Xem thêm: lợi ích của việc uống đủ nước mỗi ngày.

Ăn nhiều trái cây và rau quả: Trái cây và rau quả làm giảm lượng axit trong nước tiểu. Khi nước tiểu ít axit thì sỏi ít có điều kiện để hình thành. Protein động vật tạo ra nước tiểu có nhiều axit, do đó làm tăng nguy cơ sỏi thận.

Hạn chế ăn mặn: Hạn chế tiêu thụ các thực phẩm nhiều muối trong chế độ ăn uống giúp giảm nguy cơ bị sỏi thận. Những thực phẩm nào có nhiều muối? Mọi người đều nghĩ về khoai tây chiên nhưng một số sản phẩm khác có vị mặn bao gồm: thịt đóng hộp, gói bánh snack và thậm chí là nước uống tăng lực.

Ăn kiêng giảm cân: Chế độ ăn kiêng giúp giảm cân, kiểm soát huyết áp và cũng giúp giảm lượng protein từ động vật. Chúng ta cần protein để phát triển cơ bắp, nhưng nó cần được đặt trong một chế độ ăn uống cân bằng. Tìm kiếm hướng dẫn từ một chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn kỹ hơn về chế độ ăn giúp giảm nguy cơ sỏi thận.

Bổ sung thêm canxi: Đừng nhầm lẫn về việc có một viên sỏi “canxi”. Các sản phẩm sữa có canxi, nhưng chúng thực sự giúp ngăn ngừa sỏi thận, vì canxi liên kết với oxalate trước khi nó vào thận.

Theo nhiều nghiên cứu, những người có lượng canxi thấp trong chế độ ăn uống có nguy cơ bị sỏi thận. Một viên sỏi có thể được hình thành từ muối, các chất thải của protein và kali.

Loại sỏi thận phổ biến nhất là sỏi canxi oxalate. Hầu hết sỏi thận được hình thành khi oxalate, sản phẩm của một số loại thực phẩm liên kết với canxi dư thừa trong nước tiểu. Cả oxalate và canxi đều tăng khi cơ thể không có đủ nước và cũng như quá nhiều muối. Dựa trên các xét nghiệm máu và nước tiểu, bác sĩ sẽ xác định điều gì là cần thiết trong trường hợp cụ thể của bạn.

Thảo dược: Một số loại thảo dược có khả năng ngăn ngừa sự hình thành sỏi thận. Tuy nhiên, không có đủ bằng chứng y tế để hỗ trợ cho việc sử dụng bất kỳ loại thảo dược nào, hoặc chất bổ sung nào trong việc ngăn ngừa sỏi thận.

Gặp bác sĩ của bạn hoặc một chuyên gia dinh dưỡng để nhận tư vấn về chế độ ăn uống nếu bạn bị sỏi thận hoặc nghĩ rằng bạn có nguy cơ cao mắc căn bệnh này. Để hướng dẫn bạn, họ cần biết lịch sử y tế và thực phẩm mà bạn hay ăn. Dưới đây là một số câu hỏi bạn có thể hỏi:

  • Thực phẩm nào có thể gây sỏi thận?
  • Có nên bổ sung vitamin và khoáng chất không?
  • Đồ uống nào là lựa chọn tốt cho tôi?

Trẻ em có bị sỏi thận không?

soi-than-o-tre-em
Nguyen nhân chính gây sỏi thận là uống không đủ nước và ăn thực phẩm có nhiều muối

Sỏi thận được tìm thấy ở trẻ nhỏ 5 tuổi. Trên thực tế, vấn đề này rất phổ biến ở trẻ em đến nỗi một số bệnh viện tiến hành các phòng khám ‘sỏi’ cho bệnh nhân nhi. Sự gia tăng bệnh sỏi thận ở nhiều quốc gia trên thế giới đã được quy cho một số yếu tố, chủ yếu liên quan đến chế độ ăn uống.

Hai nguyên nhân chính gây sỏi thận là uống không đủ nước và ăn thực phẩm có nhiều muối. Trẻ em nên ăn ít khoai tây chiên, bánh snack và các thực phẩm quá mặn. Ngoài ra, soda và nước ngọt cũng có thể làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận nếu chúng có chứa đường fructose với hàm lượng cao.

Bệnh sỏi thận được điều trị như thế nào?

Việc điều trị sỏi thận giống nhau ở trẻ em và người lớn. Bạn có thể được yêu cầu uống nhiều nước hơn để viên sỏi đi qua ngoài mà không cần phẫu thuật.

Bạn cũng có thể dùng thuốc để giảm lượng axit trong nước tiểu. Nhưng nếu viên sỏi quá lớn, hoặc nếu nó ngăn chặn dòng nước tiểu, hoặc nếu có dấu hiệu nhiễm trùng, nó sẽ được loại bỏ bằng phẫu thuật.

Sau khi đã làm các xét nghiệm, bác sĩ sẽ chọn phương pháp điều trị tối ưu nhất dựa trên các tiêu chí: Kích thước, vị trí, chức năng thận và điều kiện kinh tế của người bệnh.

Các phương pháp điều trị bệnh sỏi thận bao gồm:

  • Tán sỏi ngoài cơ thể
  • Tán sỏi qua da
  • Tán sỏi ngược dòng
  • Lấy sỏi thận qua da
  • Phẫu thuật nội soi lấy sỏi
  • Phẫu thuật mở lấy sỏi
  • Phẫu thuật bằng robot

Tán sỏi bằng sóng xung kích là một thủ tục không xâm lấn, sử dụng sóng âm thanh năng lượng cao để làm nổ viên sỏi thành các mảnh nhỏ sau đó dễ dàng đi ra ngoài hơn thông qua nước tiểu. Trong nội soi niệu quản, một ống nội soi được đưa vào niệu quản để lấy các viên sỏi thận ra ngoài. Trong số ít trường hợp, đối với viên sỏi lớn hoặc phức tạp, bác sĩ có thể tiến hành phẫu thuật nội soi lấy sỏi.

Nét Bút Tri Ân – Tham khảo: kidney.org

Related posts

Dấu hiệu cảnh báo bệnh trầm cảm mà nhiều người không biết

admin

Viêm khớp là gì? Những điều cần biết về bệnh viêm khớp gây đau nhức

admin

Ho nhiều có phải là dấu hiệu của ung thư phổi không?

admin

Leave a Comment

cyberton.my.id/ Situs Slot Gacor
cyberton.my.id/ Situs Slot Gacor